Trong một nghiên cứu dựa trên thực tiễn lâm sàng, các nhà khoa học đã mở ra thêm triển vọng dùng kháng thể 3BNC117 để điều trị HIV.
Sau khi tiêm 3BNC117 vào người bệnh HIV với những liều lượng khác nhau, họ nhận thấy rằng kháng thể không chỉ dung nạp tốt vào cơ thể, mà còn làm giảm đáng kể lượng virus HIV trong máu. Từ đó, các nhà nghiên cứu lạc quan hy vọng rằng liệu pháp này có thể được phát triển để hình thành nên cách kiểm soát bệnh HIV và cuối cùng, có thể là một biện pháp phòng ngừa hoàn toàn mới. Nghiên cứu vừa được đăng tải trên tạp chí khoa học danh tiếng Nature.
HIV là loại virus khét tiếng với khả năng tự biến đổi một cách cực kỳ nhanh chóng, cho phép nó có thể tồn tại, tránh được bất cứ biện pháp điều trị nào của con người, bất kể đó là loại thuốc kháng virus hoặc kháng thể do chính cơ thể người sản sinh ra đều không hoạt động được. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã vạch ra môt chiến lược khác, có thể chiến thắng được điều đó: nhắm chính xác vào các mục tiêu cần thiết của virus nhằm ngăn chặn nó biến đổi. Do đó, dựa trên khả năng đính vào bất cứ thứ gì của kháng thể, các nhà khoa học bắt đầu định hướng các phân tử kháng thể nhắm vào những bộ phận khác nhau của virus và sau đó thử nghiệm trong các tình huống khác nhau.
Mặc dù các kết quả ban đầu đều khá hứa hẹn trong việc vô hiệu hóa HIV, nhưng trong hầu hết các thử nghiệm tiền lâm sàng và thực tiễn lâm sàng cho thấy rằng lượng kháng thể này có mức độ hoạt động không đủ rộng, chỉ nhắm tới một số chủng virus HIV cụ thể. Không để hy vọng bị dập tắt, các nhà khoa học sau đó đã phát hiện ra khả năng sử dụng những thế hệ kháng thể khác – gọi là kháng thể ức chế rộng – với khả năng tiêu diệt nhiều chủng virus khác nhau. Theo thống kê, 20% số người nhiễm HIV có thể sản sinh ra các loại kháng thể này và nhiều kháng thể trong số đó có thể ngăn chặn lây nhiễm hoặc ức chế hoạt động của HIV ở chuột và khỉ.
Dựa trên kết quả đáng lạc quan sau khi thử nghiệm trên động vật, các nhà khoa học tại Đại học Rockefeller quyết định tiến thêm một bước nữa và tìm cách áp dụng cho những bệnh nhân HIV. Họ chọn loại kháng thể 3BNC117 với khả năng nhắm vào phần dùng để bám vào tế bào chủ của virus HIV. Mặt khác, 3BNC117 có khả năng chống lại 195/237 chủng HIV. Tiếp theo, nhóm nghiên cứu tiêm loại kháng thể với các liều lượng khác nhau và 1 lần duy nhất vào cơ thể người bệnh, sau đó theo dõi phản ứng của họ sau 56 ngày.
Kết quả cho thấy, kháng thể không chỉ được cơ thể dung nạp tốt mà số lượng virus trong máu bệnh nhân đã giảm đáng kể – giảm 250 lần so với ban đầu trong 28 ngày. Hơn nữa, một nửa các bệnh nhân có thể duy trì được kháng thể cho tới cuối cuộc thử nghiệm và không hề có sự đào thải nào được phát hiện. Ngoài việc đưa trực tiếp kháng sinh vào cơ thể để ức chế virus đang hoạt động, các nhà nghiên cứu tin rằng cách làm này còn có thể giúp tăng cường khả năng của hệ miễn dịch để chống chọi lại virus. Điều này hứa hẹn dẫn tới phương pháp kiểm soát diễn tiến bệnh tốt hơn.
Mặc dù vẫn còn phải thực hiện thêm thử nghiệm để kiểm chứng cho khả năng này, nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng nếu thành công, chủng kháng thể nói trên có thể phát hiện và tiêu diệt cả virus HIV đang tiềm tàng chưa hoạt động. Mặt khác, họ vẫn tiếp tục tìm hiểu xem cách làm này có thể duy trì hiệu quả trong thời gian bao lâu. Rào cản cuối cùng, phương pháp này có chi phí cực kỳ cao nên dù thành công thì vẫn không có nhiều người bệnh tiếp cận được, đặc biệt là tại các nước đang phát triển.
Chúng ta đã có quá nhiều nghiên cứu điều trị và phòng chóng HIV, cho tới nay chỉ có 1 người duy nhất được chứng minh là đã được chữa khỏi. Đã quá nhiều người chết, chúng ta đã quá mệt mỏi chờ đợi một phương thuốc hiệu quả chống lại căn bệnh thế kỷ này. Hy vọng các nhà nghiên cứu sẽ nhanh chóng tìm được cách điều trị và phòng chống loại virus chết người này trong tương lai không xa.
Tham khảo Nature, Rockefeller, HP