Hen phế quản, còn gọi là hen suyễn có thể mắc ngay khi trẻ từ 2 – 10 tuổi. Nếu các triệu chứng bệnh không được phát hiện và xử lý sớm, căn bệnh này có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.
Hen phế quản ở trẻ em xuất hiện như thế nào phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Đối với mỗi nguyên nhân, trẻ sẽ có những biểu hiện triệu chứng bên ngoài không giống nhau:
Hen do virus: Cơn hen thường xuất hiện sau một đợt nhiễm trùng đường hô hấp do virus hoặc vi khuẩn, thường gặp nhất là khi thay đổi thời tiết trong thời điểm chuyển mùa. Cảm giác khó thở, thở rít là các triệu chứng thường gặp nhất. Nếu trẻ bị thở khò khè trước 3 tuổi và có cha hoặc mẹ bị hen phế quản hoặc bị chàm, trẻ sẽ bị tăng bạch cầu ái toan trong máu, thở khò khè mà không bị cảm lạnh và viêm mũi dị ứng, đó có thể là biểu hiện của bệnh hen phế quản.
Dấu hiệu nhận biết bệnh hen ở trẻ nhỏ
Hen khởi phát do vận động: xảy ra khi trẻ leo cầu thang, chạy nhảy, cười đùa nhiều, tập thể dục. Khi đó, trẻ cần nhiều oxy hơn nên sẽ thở nhanh qua miệng, đường thở phản ứng lại với không khí khô lạnh, bằng cách co thắt các cơ bao quanh phế quản, làm hẹp đường thở. Những triệu chứng hay gặp là: Khò khè, ho, cảm giác nặng ngực, khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện sau khi vận động và đạt đỉnh điểm ở khoảng 5-10 phút sau khi ngưng vận động; sau đó chúng sẽ giảm dần sau khoảng 20 – 30 phút mà không cần sử dụng đến thuốc cắt cơn hen. Nên lưu ý về loại hình vận động, thời gian và cường độ tập luyện… phù hợp với tình trạng sức khỏe và thể chất của trẻ.
Hen dị ứng: chủ yếu xảy ra do trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như bọ mạt, phấn hoa, hóa chất, hoặc một số thức ăn dễ gây kích hoạt cơn hen như bò, gà, trứng gia cầm, tôm, cua, cá biển….. Cách để kiểm soát cơn hen này chủ yếu là hạn chế cho trẻ tiếp xúc với tác nhân nào khiến trẻ dễ bị dị. Hãy cho con kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm máu để xem mức dị ứng thế nào.
Cha mẹ có thể nghi ngờ trẻ bị hen chứ không phải ho bình thường, nếu thấy con em mình có xuất hiện một số triệu chứng cụ thể như sau:
- Ho dai dẳng. Khác với ho thông thường, ho do hen suyễn có thể tự khỏi nhưng có thể nặng thêm trong các điều kiện nhất định như ho nặng hơn vào ban đêm, trong giấc ngủ hoặc trước khi rạng sáng. Đôi khi ho dẫn đến ói mửa
- Thở khò khè.
- Thở gắng sức.
- Nặng hơn vào ban đêm hoặc trước khi rạng sáng
- Nặng ngực ở trẻ lớn. Ở trẻ nhỏ, đôi khi, chỉ biểu hiện duy nhất bằng những cơn ho giống như ho gà, nhưng lúc hít vào không thấy ồn ào, thỉnh thoảng lẫn lộn giữa cơn ho có tiếng rít.
Hen trẻ em cũng có thể biểu hiện dưới dạng viêm phế quản khó thở. Khi khó thở và ho nhiều dịch tiết ra, không giống như hen kinh điển ở người lớn, cơn hen ở trẻ em bắt đầu và kết thúc không đột ngột.
Nhận biết các mức độ của bệnh hen
- Mức độ 1 (có cơn hen ngắt quãng nhẹ): thỉnh thoảng mới xảy ra và các triệu chứng thường xảy ra vào ban ngày dưới 1 tuần/lần, trẻ vẫn hoạt động bình thường.
- Mức độ 2 (cơn hen dai dẳng nhẹ): xảy ra ở cấp độ nhẹ, triệu chứng hen xuất hiện ban ngày dưới 1 tuần/lần.
- Mức độ 3 (cơn hen dai dẳng trung bình): các triệu chứng xảy ra hàng ngày, cơn hen gây ảnh hưởng đến các hoạt động của trẻ.
- Mức độ 4 (cơn hen dai dẳng nặng): các triệu chứng xảy ra thường xuyên và kéo dài, hạn chế các hoạt động thể lực của trẻ và thường xuất hiện cơn hen vào ban đêm.
Những trường hợp hen ác tính, các cơn hen liên tiếp xảy ra hàng ngày, thường nặng hơn về chiều và đêm. Trẻ bị mắc bệnh hen thường khó thở, không sốt, không lây. Bệnh hen tiến triển rất thất thường; một số trường hợp ổn định sau khi trẻ trên 5 – 6 tuổi, nhưng một số khác sau 15 năm bị hen lại, thậm chí sau 20 – 30 năm. Nếu bệnh được phát hiện sớm và được điều trị dự phòng hiệu quả thì sẽ làm giảm đáng kể tần suất hen khi lớn, nhất là các thể hen nặng.
Tiến sĩ Emma Nurhema SpA, một bác sĩ nhi khoa của Bệnh viện Hữu nghị ở Jakarta cho biết.
Các triệu chứng của bệnh hen suyễn ở trẻ em cũng không hẳn sẽ diễn ra ở tuổi trưởng thành. Theo tiến sĩ Emma, 80% các triệu chứng hen suyễn ở trẻ em sẽ giảm dần khi bước vào tuổi thiếu niên và có thể dừng lại hoàn toàn mặc dù đôi khi có thể tái phát một lần nữa nếu có các yếu tố kích thích bệnh tái phát.
Giải pháp kịp thời cho cơn hen
Khi trẻ lên cơn hen cấp thì đưa trẻ ra chỗ thoáng, không khí trong lành; cho uống nhiều nước hoặc hít hơi nước làm đờm loãng ra sẽ dễ thở. Nếu trẻ lên cơn hen nhẹ, dùng các thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh như: Ventolin, Atrovent, Bricanyl,… Các loại thuốc này có thể dùng ở dạng khí dung, bình xịt định liều, thuốc dạng viên hoặc siro. Liều lượng thuốc dùng tùy theo lứa tuổi và cân nặng của trẻ, nhưng phải theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Nếu cơn hen nặng phải đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay. Bệnh hen phải chữa trị lâu dài, các cơn hen không giống nhau, có thể một năm xảy ra đôi lần, nhưng cũng có thể xảy ra nhiều lần trong một tháng, ảnh hưởng tới việc học hành và cuộc sống lâu dài của trẻ.
Bệnh hen có thể phòng tránh được
Để phòng bệnh hen, nên tránh những yếu tố làm khởi phát cơn hen như: Bắt đầu ngay từ trong phòng ngủ của trẻ, không dùng thảm; không nuôi súc vật; các bậc phụ huynh không hút thuốc lá trong nhà; không cho trẻ dùng các đồ chơi làm từ bông, lông, sợi; vệ sinh chăn nệm và phòng ở thường xuyên; hạn chế cho trẻ ăn các thực phẩm công nghiệp có các chất bảo quản; hàng năm nên cho trẻ tiêm phòng cúm. Đối với những trẻ bị hen do khí hậu, nếu có thể thì chuyển trẻ đến nơi ở có môi trường khí hậu trong lành hơn.
Cha mẹ nên thận trọng khi thấy con quấy khóc và ho, sau đó càng ho dữ hơn nếu bị la mắng. Tình trạng này có thể sẽ xấu đi và gây ra các cơn hen suyễn mà có dấu hiệu là có màu xanh tím quanh miệng, thậm chí dẫn đến nôn mửa.