Các bệnh xương khớp cũng rất phổ biến trong nhân dân. Có tới 6 % người từ 16 tuổi trở lên mắc bệnh xương khớp. Tuy nhiên ở những người trên 60 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh xương khớp trở nên rất cao, lên tới 60 %.
Nguyên nhân của các bệnh cơ xương khớp ở người cao tuổi
Có nhiều nguyên nhân có thể giải thích được sự gia tăng đến chóng mặt các bệnh xương khớp ở người cao tuổi. Đầu tiên đó là sự lão hoá của cơ thể. Tiếp theo là các điều kiện môi trường, xã hội, văn hóa không thuận lợi (ô nhiễm môi trường, lao động nặng nhọc, thời tiết thay đổi thường xuyên, kinh tế lạc hậu, trình độ văn hoá, nhận thức của người dân còn hạn chế). Như chúng ta đã biết, bộ máy vận động của chúng ta cấu tạo từ cơ, xương và khớp, có tác dụng tạo hình cho toàn bộ cơ thể. Hệ thống các xương của cơ thể tạo thành một khung xương vững chắc, có tác dụng bảo vệ các cơ quan có tầm quan trọng sống còn như đại não, tủy sống, các tạng trong lồng ngực, ổ bụng. Sự phối hợp nhịp nhàng của hệ thống cơ xương khớp với nhau và với các cơ quan khác cho phép con người di chuyển được trong không gian, sinh hoạt và lao động. Những người trẻ tuổi đạt đến sự phát triển thể lực tối đa. Bộ máy vận động của họ hoạt động trơn tru, hoàn hảo, phối hợp rất tốt với các cơ quan khác trong cơ thể như thần kinh, tim mạch, hô hấp. Do vậy họ có thể thực hiện các động tác phức tạp, có sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai. Tuy nhiên khi về già, ở những người cao tuổi diễn ra quá trình thoái hoá toàn bộ cơ thể, trong đó phải kể đến sự lão hóa của bộ máy vận động (cơ xương khớp). Bộ máy vận động trở nên rệu rã, như một chiếc xe máy già nua, han gỉ, khó có thể thực hiện được chức năng vận động tốt như ngày trẻ. Bộ máy vận động do vậy trở nên dễ bị tổn thương hơn, khó chống cự lại được với các yếu tố gây hại của môi trường như chấn thương, tai nạn, bệnh tật. Bên cạnh đó một số lượng đáng kể những người cao tuổi cũng đã từng bị mắc các bệnh khớp nhiều năm trước đó, để lại các di chứng nặng nề khi họ bước vào tuổi già. Kết quả là có một số bệnh khớp thường hay gặp nhiều ở những người cao tuổi. Đó là thoái hoá khớp, loãng xương, đau cột sống thắt lưng, gút, ung thư xương. Có thể nói nôm na là thoái hoá khớp chính là hậu quả của quá trình lão hóa khớp, còn loãng xương chính là do lão hoá hệ thống xương của cơ thể. Điều đáng chú ý là người có tuổi thường hay mắc đồng thời nhiều bệnh khác nhau như tăng huyết áp, bệnh Parkinson, làm bệnh nhân rất dễ bị té ngã với hậu quả là gãy xương, thậm chí tử vong. Còn gút chính là biểu hiện rối loạn chuyển hoá đạm của cơ thể, một trục trặc về chuyển hóa, thường đi kèm với các rối loạn chuyển hoá khác như rối loạn chuyển hoá đường gây bệnh đái tháo đường hay rối loạn lipid máu gây xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Còn ung thư xương thường là thứ phát, hậu quả của di căn các loại ung thư từ nơi khác đến xương như ung thư phổi, vú, dạ dày, tuyến tiền liệt, bệnh đa u tủy xương.
Các biện pháp giúp phát hiện sớm các bệnh xương khớp ở người cao tuổi
Hiện nay y học hiện đại đã có thể phát hiện sớm và kiểm soát có hiệu quả các bệnh lý cơ xương khớp như chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ hạt nhân, chụp đồng vị phóng xạ. Các kỹ thuật chọc hút tế bào bằng kim nhỏ sinh thiết cơ, xương, màng hoạt dịch khớp, siêu âm chẩn đoán, các xét nghiệm sinh hoá, miễn dịch đang được ứng dụng nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán bệnh lý cơ xương khớp. Một số xét nghiệm gen cho phép biết trước được nguy cơ mắc một số bệnh khớp ngay từ khi đứa trẻ còn ở trong bào thai.
Tuy nhiên chính người bệnh phải là người biết đầu tiên cần chú ý phát hiện sớm bệnh. Các biểu hiện sớm của bệnh xương khớp là đau ở bất kỳ vị trí nào của bộ máy vận động dù cho đó là cơ, xương hay khớp và hạn chế vận động. Triệu chứng đau có thể kèm theo các triệu chứng viêm khác sưng, nóng, đỏ. Đó chính là các nguyên nhân đầu tiên khiến người bệnh phải quan tâm chú ý đến bộ máy vận động của mình. Để phát hiện bệnh sớm, người bệnh cũng nên hình thành được “văn hoá khám bệnh”. Điều đó có nghĩa là khi có triệu chứng bệnh thì nên đến khám bác sĩ chuyên khoa ngay. Chớ có tham công tiếc việc, chần chừ để đến khi bệnh nặng mới đi khám thì sẽ rất tốn kém mà hiệu quả không đạt được là bao.
Cần phải nhấn mạnh vai trò quyết định của các bác sĩ, đặc biệt là các bác sĩ chuyên khoa xương khớp. Chỉ có bác sĩ chuyên khoa xương khớp mới là các chuyên gia phát hiện đúng và điều trị kịp thời các bệnh xương khớp cũng như có thể tư vấn hiệu quả cho người bệnh. Việc xác định các yếu tố phát triển bản thân và môi trường là các yếu tố nguy cơ mắc bệnh khác cũng giúp cho người thầy thuốc đánh giá được một cách toàn diện khả năng mắc bệnh, tiên lượng được mức độ nặng nhẹ của bệnh.
Các biện pháp phòng tránh bệnh lý xương khớp ở người cao tuổi.
Hiện nay có rất nhiều các biện pháp điều trị và dự phòng có hiệu quả các bệnh xương khớp ở người cao tuổi. Đầu tiên đó là một chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, kết hợp với chế độ thuốc men phù hợp với đặc điểm bệnh lý của người cao tuổi. Ngoài ra sự giúp đỡ động viên của gia đình và xã hội có vai trò rất quan trọng. Chính sự hoạt động trong các câu lạc bộ sức khỏe người cao tuổi góp phần củng cố sức khỏe thể chất và tinh thần cho người cao tuổi. Các biện pháp điều trị không dùng thuốc như khí công, thái cực quyền thường có hiệu quả lớn ở những người cao tuổi.
PGS.TS. Nguyễn Vĩnh Ngọc